5

Đến thứ Bảy, Lâm Trọng Cảnh đích thân đến đón tôi.

Được ngồi ở ghế phụ trên xe của anh, tôi đùa: “Đúng là nhờ có cậu mà tôi mới có cơ hội ngồi xe xịn thế này.”

Lâm Trọng Cảnh mặt không biểu cảm: “Nếu thích thì tặng cho cậu luôn.”

“Hả?”

Tôi tròn mắt nhìn anh ấy, cứ ngỡ anh đang nói đùa.

“Tôi cũng không phải thích chiếc này lắm đâu, đợi khi nào có xe tôi thích hơn, tôi sẽ nói cho cậu biết,” tôi bật cười, còn Lâm Trọng Cảnh ngồi bên cạnh chỉ nhếch môi, trông chẳng khác nào có chút cưng chiều.

“Được thôi.”

Khi đến khách sạn cho buổi họp lớp, mọi người đã đông đủ.

Giờ đây, Lâm Trọng Cảnh là người thành công nhất trong nhóm, ai cũng muốn tìm cách thân cận với anh.

Tôi đi cùng anh vào, nhưng rồi nhanh chóng bị đẩy ra một góc khuất, trở thành người mờ nhạt nhất trong phòng.

Lâu ngày không gặp, mọi người thay đổi nhiều.

Có người kết hôn, có người ly hôn, bế con đi họp lớp; người tự kinh doanh, kẻ làm công ăn lương như tôi.

Ghế chính dành cho Lâm Trọng Cảnh. Bạn học cũ ít nhiều vẫn giữ liên lạc với nhau qua các năm, những người thân thiết thì ngồi chung bàn, còn tôi – người chuyển trường từ lớp 12 vì nhà phá sản – ngồi đâu cũng thấy lạc lõng.

Lâm Trọng Cảnh lúc ấy vỗ nhẹ vào ghế bên cạnh: “Viễn Diệp, ngồi đây đi.”

Vừa nói xong, ánh mắt mọi người lập tức dồn cả về phía tôi.

Có người ồ lên: “Đây chẳng phải là Trác Viễn Diệp sao!”

Nghe cậu ta nói, mọi người mới dần nhớ ra tôi.

Tôi cười thoải mái, đáp lại: “Vẫn còn người nhớ tôi cơ à?”

Không khí dần trở nên sôi nổi hơn, rồi chủ đề bỗng dưng lại xoay quanh tôi. Không biết từ đâu, có người nhắc đến chuyện gia đình tôi phá sản.

“Nghe nói hồi đó cậu chuyển trường vì nhà phá sản đúng không?”

“Viễn Diệp, giờ cậu đang làm gì?”

“Có khi bố mẹ cậu vực dậy lại rồi, dù là ngựa gầy vẫn hơn mấy đứa chúng tôi làm công đấy nhỉ.”

Họ càng nói càng hào hứng, dù tôi chỉ im lặng mỉm cười. Ai cũng đã trưởng thành, chẳng còn là những học sinh hồn nhiên nữa, lời nói ít nhiều đều pha chút tò mò hoặc thích thú khi thấy người khác gặp khó khăn.

Lớp trưởng ngắt lời, đứng lên mở màn: “Ly này mình xin kính người thành đạt nhất của chúng ta, Tổng Giám đốc Lâm!”

Ai cũng muốn nịnh nọt Lâm Trọng Cảnh, sợ mình chậm chân, lần lượt nâng ly lên chúc rượu.

Lâm Trọng Cảnh đã không còn là cậu thiếu niên rụt rè của năm xưa. Anh ứng phó rất tự nhiên trong những tình huống xã giao như thế này.

Ngồi ở vị trí cao lâu rồi, kiểu người như anh đã quá quen với những buổi gặp mặt kiểu này, trong khi xưa kia, họ không có chút cơ hội nào để gặp được một người như anh.

Có kẻ rót rượu với thái độ khúm núm, nói bằng giọng khiêm tốn: “Ngày xưa còn đi học em có chút dại dột, mong anh Lâm rộng lượng bỏ qua, chúng ta mãi là bạn học nhé.”

Tôi nhận ra người này chính là gã du côn thường bắt nạt Lâm Trọng Cảnh hồi trước.

Giữa tôi và cậu ta đã từng có xích mích; dù gì, một cốc nước nóng tạt thẳng vào mặt cũng đủ đau. Nếu không ngại ba tôi, chắc cậu ta đã tìm cách gây khó dễ cho tôi từ lâu rồi.

Bây giờ tôi sa cơ, cậu ta đương nhiên nhân cơ hội chọc ngoáy.

Cậu ta vênh mặt lên, cau mày tức tối nhìn tôi: “Trác Viễn Diệp, sao cậu không hiểu chuyện thế? Tổng Giám đốc Lâm ngồi ngay cạnh cậu, mọi người đều mời rượu, sao cậu không mời?”

“Đừng tưởng mình vẫn còn là tiểu thư nữa nhé! Nếu làm Lâm Tổng phật ý, đạp cậu bẹp dí cũng dễ như đạp chết một con kiến!”

Không khí trở nên căng thẳng, ai cũng im lặng.

Nếu là Trác Viễn Diệp ở tuổi mười bảy, tôi đã cầm cái đĩa ném thẳng vào mặt cậu ta rồi.

Nhưng giờ đây tôi là Trác Viễn Diệp hai mươi lăm tuổi, tôi nên chín chắn hơn…

Quên cái sự chín chắn đó đi!

Tôi nhoẻn miệng cười gằn, hỏi: “Thế sao cậu không chết đi?”

“Tôi nhớ cậu hồi xưa hay bắt nạt Lâm Trọng Cảnh lắm nhỉ, chê cậu ấy nhà nghèo, còn hống hách như là đại ca.”

Tôi đưa tay che miệng, cười nhẹ: “Tôi biết hồi đó cậu còn nhỏ dại, tôi chỉ đùa thôi, đừng bận tâm.”

Mặt cậu ta xanh mét, còn những người khác thì không ngờ tôi lại thẳng thừng đến vậy, chẳng để cho cậu ta chút mặt mũi nào.

Ngay khi người đàn ông đó sắp nổi giận, Lâm Trọng Cảnh – người từ đầu đến giờ vẫn im lặng – bỗng cầm ấm trà rót vào ly của tôi.

“Uống ít rượu thôi, không tốt cho dạ dày đâu.”

Không chỉ những người khác mà cả tôi cũng ngạc nhiên.

Tổng Giám đốc Lâm lại đích thân rót trà cho tôi. Khí thế của tôi bỗng chốc hạ xuống: “Cảm ơn, cảm ơn, cậu không cần phải làm vậy đâu, tôi tự lo được.”

Thấy thái độ của Lâm Trọng Cảnh, người đàn ông kia lập tức cụp đuôi rút lui.

Trước mặt mọi người, anh rót trà cho tôi, rõ ràng là ngầm bảo vệ tôi rồi.

Nhìn cậu ta lấm lét quay về chỗ ngồi, tôi suýt không nhịn được cười trước kẻ hèn nhát này.

Lâm Trọng Cảnh cúi xuống hỏi tôi: “Có phải không vui không?”

Tôi cũng hạ giọng đáp: “Không đến mức đó đâu. Loại người này bụng dạ hẹp hòi, ganh tỵ nên mới ôm hận với tôi, tôi chẳng muốn phí thời gian cho hạng người như vậy.”

Lâm Trọng Cảnh không nói gì thêm, nhưng tôi thấy người anh hơi cứng lại một thoáng, rồi ngửa cổ uống cạn ly rượu.

6

Trong cả bữa tiệc, chỉ có tôi là không uống rượu, ngay cả Lâm Trọng Cảnh cũng đã uống kha khá.

Dù còn tỉnh táo, nhưng gương mặt anh đỏ ửng, cho thấy rượu cũng đã ngấm.

Có người muốn gọi tài xế hộ cho anh, nhưng anh dựa vào vai tôi, hỏi: “Cậu có thể đưa tôi về nhà không?”

Tôi ngẩng lên, lúc đó mới nhận ra khoảng cách giữa chúng tôi gần đến vậy.

Đôi môi anh đỏ mọng, ánh mắt mơ màng, khuôn mặt chững chạc và điển trai phảng phất một vẻ buông lơi, uể oải, dưới ánh đèn đêm mờ ảo càng khiến anh trở nên thần bí, khó phân biệt thực ảo.

Tim tôi đập loạn nhịp, tay đổ mồ hôi, tôi lùi lại một chút rồi đáp: “Được.”

Đây là lần đầu tiên tôi lái một chiếc xe đắt tiền đến vậy, và Lâm Trọng Cảnh ngồi bên ghế phụ, đôi mắt khép hờ vì mệt mỏi.

Giữa đường, anh đột ngột hỏi: “Trác Viễn Diệp, cậu sống hạnh phúc chứ?”

“Đương nhiên là hạnh phúc rồi.”

Anh ấy tỏ vẻ không hiểu, giọng điệu mang chút thắc mắc và cả sự khinh thường.

“Ba mẹ bệnh nặng, không nhà không xe, ngày ngày chật vật. Vậy mà cậu cũng coi là hạnh phúc?”

Tôi không hiểu tại sao anh ấy lại nói những lời mang tính chỉ trích như vậy, nhưng tôi vẫn giữ giọng bình thản.

“Chỉ cần còn sống, mọi thứ rồi sẽ có.”

Lâm Trọng Cảnh nhắm mắt, nói trong hơi thở yếu ớt.

“Tôi rất ghét cái cách sống này của cậu.”

Tôi thoáng bất ngờ, liếc nhìn anh ấy, nhưng anh đã ngủ thiếp đi, không còn cách nào biết được lý do anh ghét tôi là gì.

7

Cuộc sống vẫn tiếp diễn theo đúng nhịp điệu, chỉ là điện thoại của tôi xuất hiện thêm vài cái tên bạn cũ.

Tin nhà tôi phá sản lan truyền rất nhanh, ngay cả những người không tham gia buổi họp lớp cũng nghe tin và âm thầm kết bạn với tôi, hỏi xem có đúng vậy không.

Tôi bắt đầu thấy phiền, nên chẳng buồn trả lời ai.

Không biết ai đã đồn rằng tôi vẫn giữ tính tiểu thư, chẳng muốn nói chuyện với ai.

Điều đó khiến tôi tức cười.

Nhưng điều khiến tôi khó chịu hơn là tôi vừa nhận được thông báo từ cấp trên.

Dự án mà tôi theo dõi suốt hơn một tháng nay, chuẩn bị hoàn tất, lại được giao cho đồng nghiệp khác tiếp quản.

Biết tin này, tôi lập tức đến gặp sếp trong phòng làm việc.

“Sếp, dự án này tôi theo sát bao lâu nay, sao có thể dễ dàng giao cho người khác như vậy được?”

Sếp thậm chí không ngẩng đầu lên: “Người trẻ cần học cách nhẫn nhịn. Cố gắng làm việc chăm chỉ, lần này có thể hơi thiệt thòi, nhưng lần sau tôi sẽ sắp xếp một dự án lớn hơn cho cô.”

Vậy là không còn đường thương lượng.

Ra khỏi văn phòng, tôi như người mất hồn. Trước giờ chưa từng gặp phải tình huống này, đồng nghiệp nhận dự án thay tôi cũng không phải là con ông cháu cha.

Những đồng nghiệp thân thiết đến an ủi, tối về nhà, ngay cả đồng nghiệp nhận dự án của tôi cũng gửi tin nhắn riêng cho tôi.

“Viễn Diệp, đừng buồn quá, anh cũng không biết sao sếp lại giao dự án cho anh nữa.”

Tôi nhíu mày, thấy kỳ lạ nhưng cũng không nghĩ quá nhiều.

Hít một hơi sâu, tôi lại đầy sức sống trở lại. Cùng lắm đợi cơ hội lần sau, tôi không tin là mình kém may mắn đến thế.

Nhưng rồi tôi mới thấy đúng là mình xui xẻo thật.

Chưa đầy một tuần sau, tôi bị sếp gọi lên nói chuyện. Lý do là vì công ty bị rò rỉ thông tin mật, đối thủ đã phát hành trước sản phẩm mới mà chúng tôi nghiên cứu bao năm.

Và mọi bằng chứng đều chỉ về phía tôi, rằng tôi là người tiết lộ bí mật.

Tất cả như một đòn giáng bất ngờ lên đầu tôi.

Chỉ có tôi ra vào văn phòng của giám đốc, trùng hợp thay, hôm đó camera giám sát lại bị hỏng, không ghi lại được tôi đã làm gì trong phòng.

Sếp còn giận dữ nói rằng tôi vì tức giận khi bị tước mất dự án nên ôm hận trả đũa.

Tôi không kịp giải thích, đã bị cảnh sát áp giải đi.

Scroll Up