2
Mẫu thân ta may mắn giữ được tính mạng, nhưng rốt cuộc vẫn thành tàn phế.
Ngự y đến quá muộn.
Ta im lặng nhúng nước, chải tóc cho bà ấy, trong khi ngắm nhìn bộ hỉ phục vừa mới gửi đến.
Chuyện hôm đó là do sau này Thái Liên kể lại.
Phụ thân bị người ta tấu trình, tuy có nhạc phụ chạy vạy, nhưng cũng không đủ đảm bảo.
Ông ta nghĩ mọi cách, cuối cùng mời được Tử Thần Quân đến phủ làm khách.
Không ngờ bị ta phá hỏng.
Buổi tiệc được sắp đặt tỉ mỉ kết thúc trong không vui, phụ thân giận dữ, nhưng cũng không dám làm gì ta.
Chỉ vì khi rời đi, Tử Thần Quân xoay xoay chiếc nhẫn trên tay, thản nhiên nói một câu:
“Ta thật không ngờ, trong phủ Lâm đại nhân lại có án mạng?”
Phụ thân mồ hôi rơi như mưa, liên tục giải thích và đảm bảo rằng chưa từng ngược đãi người trong hậu viện.
Mẫu thân tuy giữ được mạng, nhưng do ta làm phật ý phụ thân lần này, bà ấy suốt đời không thể nhận lại sự yêu thương của ông.
Một nữ nhân tàn phế, lại không được sủng ái, làm thiếp trong nội viện, nhà mẫu thân đẻ lại là gia đình nhỏ bé, chẳng có tiếng nói.
Ta cảm thấy nghẹn ngào, nắm chặt chiếc lược trong tay, ngừng lại một chút, rồi tiếp tục chải tóc cho bà ấy.
Dù có ra sao, bà ấy vẫn còn có ta.
Chính thê đã chọn cho ta một mối hôn sự.
Đó là Giang phủ, người mở tiệm tơ lụa ở phía bắc thành.
Sĩ, nông, công, thương, thương nhân đứng cuối cùng.
Các gia tộc sĩ phu hiếm khi liên hôn với nhà thương nhân, trừ khi đó là đại thương gia.
Giang phủ cũng được coi là giàu có, một thứ nữ không được sủng như ta mà được gả đi làm chính thê, tính ra, vẫn là ta trèo cao.
Mối hôn sự này, nhìn qua thì có vẻ rất tốt.
Chỉ có một điều không tốt— đại thiếu gia Giang phủ, Giang Thiếu Lăng, là một kẻ ngốc.
Chính thê cũng thật giỏi, trong vài ngày đã chọn cho ta một mối hôn sự “thích hợp” như vậy.
Ra ngoài thì nói được, lại có thể chọc giận ta, trút bớt cơn tức trong lòng bà.
Giang phủ là nhà giàu, sính lễ gửi đến vô cùng phong phú.
Ta ngồi ở cửa, nhìn từng gánh sính lễ được phủ lụa đỏ, đưa vào hậu viện, tiến vào sân của chính thê.
Còn chỗ mẫu thân của ta, chẳng có gì cả.
Vết thương của bà ấy phải ít nhất ba tháng mới lành, nhiều thì một năm rưỡi. Nay đã mất sự sủng ái của phụ thân, lại không có bạc phòng thân, khi ta lấy chồng rồi, không biết bà ấy sẽ phải chịu khổ thế nào.
Ta đi đến chỗ chính thê.
Nghe rõ ý định của ta, chính thê cười đến gần như không thở nổi:
“Ta nghe nhầm chăng? Có cô nương nào chưa xuất giá mà đã chạy tới đòi sính lễ, thật không hổ danh là do mẫy thân ngươi dạy dỗ, quả là mặt dày, đê tiện.”
Ta đứng trước mặt bà ta, mặt không biểu cảm, cảm thấy mình giống như một con ong.
Bị ép quá sẽ đốt người.
Dù phải mang theo nọc độc từ sâu trong bụng ra.
“Mẫu thân, Khê nhi đã một lần phát điên, cũng chẳng biết có lần thứ hai hay không.
Danh tiếng của Khê nhi đã bị hủy hoại, hủy hoại một mình ta cũng không sao, nhưng trong phủ Lâm này, đâu chỉ có mình ta là cô nương.
Nếu ta gả về nhà phu quân mà làm chuyện gì khiến phụ thân và mẫu thân mất mặt, lại làm hỏng hôn sự của tỷ tỷ, thì không ổn rồi.
” Giang phủ đưa ba mươi gánh sính lễ, con chỉ cần hai gánh. Hai gánh sính lễ đổi lấy danh tiếng tốt cho tỷ tỷ sau này, không lỗ.
Mẫu thân nói, có phải không?”
Nụ cười khinh miệt của chính thê dần dần cứng lại, bà ta tái mặt, hừ lạnh một tiếng, quay đầu ra lệnh cho ma ma đứng cạnh:
“Đưa cho nàng ta!”
3
Đêm trước ngày ta thành thân với Giang đại thiếu gia, trời mưa suốt đêm, sấm chớp đùng đoàng, tựa như điềm chẳng lành.
Mẫu thân ta cũng cả đêm không ngủ.
Bà ấy kéo lê thân mình đầy thương tích, nửa nằm trên giường, gấp rút may áo ấm cho ta.
Không ai ngờ rằng ta xuất giá vội vàng đến vậy, giữa tiết tam phục, vốn dĩ không cần áo ấm, nhưng mẫu thân nhất định muốn làm.
Thái Liên đứng bên cạnh nhỏ giọng khuyên nhủ:
“Di nương cẩn thận đôi mắt, Giang phủ buôn bán lụa là, hẳn không thiếu áo choàng cho tiểu thư.”
Chưa nói thì thôi, vừa nói xong, mẫu thân ta cúi đầu, hồi lâu mới khẽ bảo:
“Áo ngoài kia không bằng cái này của ta. Áo này dày, ấm.”
Ta đứng bên cửa sổ hít thở, nghe xong mà cả người run rẩy, suýt nữa rơi lệ.
Biết con gái ruột của mình phải gả cho một kẻ ngốc, mẫu thân ta gần như khóc đến mù mắt.
Ta ngày ngày an ủi mẫu thân, nói rằng, một thứ nữ như ta, đa phần là đi làm thiếp nhà người, nay có thể gả đi làm chính thê, cũng là phúc phần của ta.
Cuối cùng, mẫu thân ta cũng nghĩ thông.
Bà ấy cả đời làm thiếp, không tranh thì sai, tranh cũng sai. Làm thiếp vốn dĩ đã là sai.
Gả cho một kẻ ngốc làm chính thê, biết đâu lại là phúc.
Chỉ là, lòng khó yên.
Ngày cưới vô cùng náo nhiệt.
Giang phủ làm ăn buôn bán, mở tiệc đãi khách bốn phương.
Người đến đón ta lên kiệu hoa và bái đường là Giang nhị thiếu gia, Giang Thiếu Thu.
Giang nhị thiếu gia tuấn tú khôi ngô, coi như giữ thể diện cho cả hai nhà.
Ta cuối cùng gặp Giang Thiếu Lăng trong đêm tân hôn.
Chàng đang ngồi trên giường cưới, lật chăn lấy quả táo bên dưới ra ăn.
Bỏ qua vẻ ngây ngốc, Giang Thiếu Lăng cũng coi như một thiếu niên hiền lành, tuấn tú.
Ta cúi đầu, vô tình nhìn thấy bên cạnh móng tay hắn có những vết da bị cào rách, dù là ngày đại hôn, khắp người đều được chăm sóc chỉnh chu, nhưng những chi tiết nhỏ nhặt này không ai để tâm.
Chỉ vì chàng là kẻ ngốc, nhìn cho qua cũng được rồi.
Hạt táo lăn đầy đất, ta quét sơ qua, rồi rót hai chén rượu, một chén đưa cho chàng.
Giang Thiếu Lăng xua tay:
“Rượu, không uống, cha đánh.”
Ta nói với chàng:
“Đây là rượu hợp cẩn, phải uống. Ta tên là Lâm Khê, uống rượu này rồi, sau này ta sẽ là thê tử của chàng.”
Giang Thiếu Lăng ngơ ngác nhìn ta, không biết có hiểu hay không, môi mấp máy mấy lần, cuối cùng chỉ thốt ra hai chữ.
Chàng nói: “Lâm Khê.”
Hai chén rượu hợp cẩn cuối cùng đều vào bụng ta.
Ta tắt đèn, nhờ chút men say, liều mình hỏi Giang Thiếu Lăng:
“Chàng biết cách ngủ thế nào không?”
Ta vốn chẳng mong chàng hiểu, không ngờ Giang Thiếu Lăng ngập ngừng một chút, rồi đáp:
“Sinh em bé?”
“Phải.”
“Em bé ngốc, mọi người không thích, cha nương, cũng không thích, không sinh.”
Tay ta đang cởi nút áo bỗng khựng lại—ai nói kẻ ngốc không biết gì?
Địa vị của Giang Thiếu Lăng trong nhà không cao.
Dù là đại thiếu gia, người hầu tôn kính chàng, nhưng trong lòng vẫn có chút coi thường.
Chàng thích chơi đùa, nhưng bọn hầu đều ngăn cản, chẳng ai muốn chơi cùng một kẻ ngốc. Huống chi, nếu vì chơi với đại thiếu gia mà lỡ việc, bị trách phạt thì phải tính vào đầu ai?
Chàng ngoan ngoãn ngồi yên, không quậy phá, không gây chuyện là tốt rồi.
Còn về phụ mẫu chàng đã ta đã qua đời, phụ thân chàng thì bận rộn với thương trường.
Ta nghe nói, ngay cả khi mẫu thân chàng còn sống, Giang Thiếu Lăng cũng không sống tốt lắm.
Người làm thương nhân coi trọng lợi nhuận, con trưởng mà là kẻ ngốc, phụ thân chàng cảm thấy mất mặt.
Cho đến khi nhị thiếu gia ra đời, cuộc sống của mẫu thân chàng ấy mới tốt hơn đôi chút.
Nhưng vì có nhị thiếu gia lanh lợi, nên tình thương dành cho Giang Thiếu Lăng chỉ là đủ ăn, đủ mặc mà thôi.
Mẫu thân chàng qua đời, e rằng ngay cả việc ăn no mặc ấm chàng cũng chẳng rõ.
Một kẻ ngốc, nói rõ được mấy điều?
Trong viện của chàng chỉ có vài nha hoàn, ai ai cũng muốn chạy sang chỗ Giang Thiếu Thu.
Hầu hạ kẻ ngốc, sao có tiền đồ?
Đêm ấy, mọi người đều mặc nguyên áo mà ngủ.
Không hiểu sao, ta lại mơ thấy Tống Thư Bạch.
Lúc ấy ta đã rất lâu không gặp hắn. Từ khi hắn thi đậu thám hoa, không bao lâu sau thì đoạn tuyệt liên lạc với ta.
Lần cuối gặp mặt là khi ta đi cầu xin hắn cứu tiểu nương.
Trong mộng, ta đứng sau một khung cửa sổ, hỏi hắn đã ăn bánh thịt dưới bát canh chưa.
Thư sinh cúi đầu mài mực, vẻ mặt không biểu lộ gì, chỉ lộ ra hai vành tai ửng đỏ. Cuối cùng, hắn khẽ nói:
“Đã ăn rồi.”
Ta lòng đầy vui sướng, xách hộp thức ăn rời đi.
Từ chút thương cảm ban đầu đến khi yêu hắn, ta đã mất đúng năm năm. Hai miếng bánh thịt đó là phần ta bớt lại từ phần ăn của mình, sợ đem sang sẽ nguội, nên cố ý giấu dưới bát canh cho ấm.
Tâm ý của thiếu nữ, toàn bộ đều nằm ở đó.
Chỉ tiếc, người ta gặp không phải người tốt.
Ta mở mắt ra, thấy kẻ ngốc bên cạnh đang ngủ, miệng chảy nước dãi.
Ta thở dài, kéo chăn lên đắp cho hắn.
Sáng hôm sau, ta tìm kéo, cắt móng tay cho Giang Thiếu Lăng. Khi cắt đến chỗ thịt bị xước, tay hắn khẽ run, nhưng không rụt lại.
Tay áo kéo lên thêm chút nữa, lộ ra mấy vết bầm tím, có cái đã ngả vàng gần lành, có cái còn đỏ tươi sưng phồng, không biết mới va đụng ở đâu.
Ta bôi thuốc, rồi hỏi chàng ấy:
“Có đau không?”
Chàng ấy chẳng nói đau hay không, chỉ cười ngớ ngẩn, gọi:
“Lâm Khê.”
Ta nói:
“Đừng gọi ta là Lâm Khê, phải gọi là nương tử.”
Giang Thiếu Lăng mở to đôi mắt ngây dại, lại gọi thêm lần nữa:
“Lâm Khê.”