Ngày thứ hai sau khi về nước, tôi bất ngờ nhận được một cuộc gọi từ một số lạ.
“Xin chào, đây có phải cô Giang Như không?
Chúng tôi gọi từ Văn phòng Luật Hoài Giang. Ông Lục Hoài Trinh đã để lại một phần di sản cho cô.
Nếu cô có thời gian, vui lòng đến để làm thủ tục nhận lại.”
Di sản?
Hai chữ “di sản” vốn dĩ xa lạ và không hề liên quan đến tôi, giờ đây lại như một cơn sóng thần ập đến, đè nặng lên cả tâm trí lẫn cơ thể tôi.
Tôi sững sờ, buông rơi túi mua sắm trong tay, giọng run rẩy hỏi:
“Là… Lục Hoài Trinh nào?”
Đầu dây bên kia trầm ngâm một lát rồi đáp:
“Người sáng lập Văn phòng Luật Hoài Giang, thầy giáo trước đây của cô.”
Điện thoại trong tay tôi rơi xuống đất, màn hình vỡ toang thành từng mảnh.
Tôi đứng lặng dưới ánh mặt trời, tay chân lạnh toát, trái tim như bị khoét mất một mảng.
Lục Hoài Trinh… sao anh ấy có thể chết được?
Không thể nào!
Tôi ngồi thụp xuống đất, nhặt chiếc điện thoại lên trong ánh nhìn mờ nhòa.
Màn hình nứt một góc nhưng vẫn có thể sử dụng. Tôi run rẩy mở trình duyệt, tìm kiếm cái tên ấy.
Trên mạng hiện ra hàng loạt tin tức liên quan:
“Lục Hoài Trinh, giảng viên thỉnh giảng khoa Luật tại Đại học A, sáng lập Văn phòng Luật Hoài Giang, một luật sư trẻ xuất sắc…
Qua đời tại nhà riêng vào lúc 4 giờ sáng ngày 11 tháng 5 năm 2021, hưởng dương 30 tuổi.”
Trong bức ảnh, người đàn ông với hàng chân mày sắc nét, ánh mắt ôn hòa như mang theo một nụ cười nhàn nhạt.
Thế nhưng, nụ cười ấy tựa hồ bị ngăn cách bởi núi non và biển cả, xa cách và lạnh lẽo.
Gương mặt này… quen thuộc đến mức khắc sâu trong từng tế bào của tôi.
Đúng là anh ấy. Chính là Lục Hoài Trinh.
Cơn đau dữ dội tràn lên, bóp nghẹt trái tim tôi.
Tôi ngồi bệt xuống đất, hai tay ôm lấy ngực.
Những người dân đi ngang qua khu chung cư dừng lại, lo lắng hỏi han:
“Cô gái, cô sao vậy?”
“Có cần gọi xe cấp cứu không?”
“Cô ơi?”
Những âm thanh quanh tai tôi dần trở nên mơ hồ và vô nghĩa.
Tôi đưa tay lên chạm vào mặt mình, đôi mắt vô hồn dán chặt vào những giọt nước mắt trong suốt đọng trên đầu ngón tay.
Không phải mơ, anh ấy thật sự đã chết.
Người mà tôi đã yêu suốt sáu năm qua, Lục Hoài Trinh, thật sự đã rời xa thế giới này.
Điều khiến tôi đau đớn nhất chính là… tôi thậm chí không biết anh ấy đã qua đời được một năm.
Đám đông xung quanh ngày càng đông hơn, mọi người đứng lại tò mò nhìn tôi.
Một người thấy dáng vẻ thẫn thờ, tiều tụy của tôi, thương cảm định đưa tay ra giúp đỡ.
Tôi giật mình, hoảng hốt bật dậy, giống như một kẻ mất trí, lao ra đường và vẫy một chiếc taxi.
Mọi người đều nói Lục Hoài Trinh là một nhân tài trẻ tuổi. Bỏ qua ánh hào quang của việc là thiếu gia nhà họ Lục, anh ấy vẫn là một huyền thoại.
719 điểm trong kỳ thi đại học, thiên tài xuất sắc của khoa Luật Đại học A, một luật sư xuất chúng trong ngành.
20 tuổi, anh ấy thành lập Văn phòng Luật Hoài Giang. 25 tuổi, được chính trường cũ mời làm giảng viên thỉnh giảng.
Tôi mãi mãi không quên lần đầu tiên anh ấy đứng trên bục giảng, khi tổ chức hội thảo.
Bộ vest vừa vặn, phong thái tự tin, toàn thân toát lên vẻ của một người con cưng của trời.
Chỉ cần nhìn từ xa, cũng khiến trái tim người khác rung động.
Sau đó, nhờ giáo viên giới thiệu, tôi trở thành trợ lý bán thời gian bên cạnh anh ấy.
Bốn năm thầm mến, đến gần tốt nghiệp, cuối cùng tôi lấy hết can đảm viết cho anh ấy một lá thư tỏ tình.
Đáp lại tôi, chỉ là bảy chữ:
“Bạn học Giang Như vẫn còn nhỏ.”
Lục Hoài Trinh – người luôn mang dáng vẻ lịch thiệp, tao nhã trước mặt người khác, lại thỉnh thoảng để lộ chút nghịch ngợm, phóng túng khi ở trước mặt tôi.
Tôi từng nghĩ, mình là một người đặc biệt.
Tôi từng nghĩ, anh ấy ít nhất cũng có chút cảm tình với tôi. Nhưng hóa ra, đó chỉ là những gì tôi tự huyễn hoặc mà thôi.
Tôi thất vọng, nộp đơn xin học bổng du học nước ngoài.
Lục Hoài Trinh viết thư giới thiệu cho tôi.
Ngày tôi lên máy bay, anh ấy nhắn một tin:
“Chúc bạn học Giang Như tiền đồ rộng mở, bình an qua năm tháng.”
Nhưng, tôi bướng bỉnh không trả lời.
Hai năm qua, tôi không hỏi thăm anh ấy dù chỉ một câu. Và ngay cả khi anh ấy qua đời, tôi cũng không hề hay biết.
Tôi đứng trước tòa nhà văn phòng, nhìn trân trân vào nơi đã đổi thay theo thời gian.
“Bạn học Giang Như, cô nói xem nếu tôi đổi chữ ‘Giang’ trong Hoài Giang thành ‘Gừng’ (姜) của cô thì thế nào?”
Lục Hoài Trinh từng đứng bên cửa sổ kính lớn, cong môi mỉm cười đầy ẩn ý.
Anh ấy lơ đãng nhìn vẻ mặt ngỡ ngàng của tôi, sau đó bật cười rồi thở dài:
“Nhưng mà gừng cay quá, chắc làm mất hết khách hàng của tôi. Thôi bỏ đi.”
Anh ấy luôn thỉnh thoảng nói những câu khiến người ta mơ hồ, nửa như ẩn ý, nửa như không có gì.
Hồi đó, tôi không hiểu. Bây giờ nghĩ lại, có lẽ anh ấy muốn bày tỏ điều gì đó, nhưng lại không dám.
Luật sư Lưu đẩy một tập hồ sơ trước mặt tôi, nói:
“Ông Lục đã dặn, chỉ cần cô Giang về nước, di chúc này sẽ lập tức có hiệu lực.”
Tôi ngồi trên ghế, mặt không chút cảm xúc.
Tờ giấy trắng chói mắt đến mức tôi chẳng nhìn rõ nổi gì.
“Anh ấy để lại gì cho tôi?”
“Một căn nhà, và một chiếc nhẫn.”