Ba bố con đi dạo suốt cả buổi chiều, đến khi mang theo đủ thứ đồ từ phố cổ trở về.
Trước bữa tối, Dương Dịch và cậu tôi đang đánh bài trên lầu. Tôi bảo Huệ Huệ lên gọi họ xuống ăn cơm.
Hoan Hoan liền xung phong: “Mẹ, để con đi gọi.”
Con chạy lên lầu, gọi lớn: “Bố, cậu ơi, xuống ăn cơm thôi.”
Hai người đàn ông cùng đáp:”được rồi, xuống ngay!”
Cậu tôi không phản ứng gì đặc biệt, nhưng Dương Dịch thì phấn khích quay lại, nhảy nhót trước mặt tôi.
“Em có nghe thấy không?”
“Nghe gì?”
“Hoan Hoan vừa gọi anh là bố! Con gọi anh là bố! Con gọi anh là bố rồi!”
Nhìn dáng vẻ anh vui sướng đến mức nhảy nhót tay chân loạn xạ, tôi chợt nhớ về hình ảnh cậu thanh niên vô tư mà tôi gặp hồi đại học.
17
Hai đứa nhỏ phải đi học lại, gia đình tôi đành lên đường về nhà.
Trước lúc đi, bà ngoại vừa chống gậy, vừa xách theo bánh nếp và lạp xưởng bà tự làm, mắt rưng rưng tiễn chúng tôi.
Hoan Hoan nhẹ nhàng hỏi tôi: “Mẹ ơi, có thể đưa bà ngoại đến Hàng Châu sống cùng mình không?”
Tôi bất lực lắc đầu: “Mẹ đã thử rồi, nhưng bà không quen ở nhà trong thành phố. Hơn nữa, bà lớn tuổi rồi, không chịu nổi đường xa.”
Trong gương chiếu hậu, tôi thấy mái tóc bạc của bà ngoại tung bay trong gió. Bà cứ đứng yên tại chỗ, cho đến khi xe chúng tôi khuất bóng.
Hoan Hoan nằm bò ra ghế sau, nhìn về phía bà ngoại mãi không rời mắt.
Khi quay lại, Huệ Huệ đưa cho chị khăn giấy: “Chị ơi, đừng khóc nữa. Kỳ nghỉ tới mình lại về thăm bà ngoại nhé.”
Sau chuyến đi An Huy, Hoan Hoan như biến thành một người khác.
Con nói chuyện nhiều hơn, thỉnh thoảng trên đường về nhà sau giờ học, con còn chủ động kể tôi nghe những chuyện xảy ra ở trường.
Trước đây, tôi sợ gợi lại nỗi buồn của con, nên chưa từng hỏi kỹ về cuộc sống của con ở gia đình mua con.
Chỉ biết rằng, cặp vợ chồng đó không có con, nên đã bỏ ra 4.000 tệ để mua Hoan Hoan từ tay bọn buôn người.
Nghe nói lúc đó, giá bán một bé trai lên đến vài vạn tệ. Gia đình mua Hoan Hoan vì muốn có con trai nối dõi, nhưng họ không đủ tiền.
Sau khi mua Hoan Hoan về, thật kỳ lạ, họ lại sinh liền bốn cô con gái và một cậu con trai út.
Chỉ tưởng tượng cũng đủ biết cuộc sống của Hoan Hoan ngày ấy như thế nào.
Tôi rụt rè hỏi con: “Hoan Hoan, trước đây khi sống ở nhà cha mẹ nuôi, con sống thế nào? Họ có đối xử tốt với con không?”
Có lẽ Hoan Hoan không ngờ tôi sẽ hỏi như vậy.
Con im lặng một lúc, rồi nhẹ nhàng đáp: “Con thật ra luôn biết mình không phải con ruột của họ.”
Giọng nói của con nghẹn ngào:
“Mẹ ơi, con không muốn nhớ lại những ngày đó.”
Tôi không dám hỏi thêm, chỉ vội bước tới ôm con vào lòng.
18
“Được rồi, Hoan Hoan, con không muốn nói thì đừng nói.”
“Nhưng mẹ muốn nói với con rằng, đối với họ, bất kỳ đứa trẻ nào cũng có thể là Trương Hạ, nhưng với mẹ và bố, chỉ có con mới là Hoan Hoan.”
“Con phải nhớ, mùa đông giá lạnh đã qua rồi, chỉ cần con không ngoái đầu lại, ký ức sẽ không còn sức mạnh gì nữa.”
Thời gian trôi nhanh, chớp mắt đã 5 năm kể từ ngày Hoan Hoan trở về bên chúng tôi.
Năm 19 tuổi, Hoan Hoan thi đỗ vào chính ngôi trường mà tôi và bố con bé từng học, trở thành “đàn em” nhỏ hơn chúng tôi hơn 20 năm.
Ngày con nhập học, tôi và Dương Dịch cùng đưa con đến trường.
Trên đường đi, chúng tôi lần lượt đi qua những con đường rợp hoa quế của khuôn viên, căng tin số hai với tấm băng rôn đón tân sinh viên, và cả ký túc xá số 5, nơi tôi từng ở suốt 4 năm đại học.
Ký ức tuổi trẻ của tôi và Dương Dịch – từ lúc gặp nhau, quen biết, rồi yêu nhau – bất chợt ùa về.
Hoan Hoan ôm chồng sách mới được phát, đi phía trước. Tôi và Dương Dịch kéo vali, xách chăn, bước theo sau.
Chỉ trong vài năm ngắn ngủi, Hoan Hoan đã nuôi dài mái tóc đuôi ngựa, làn da cũng ngày càng trắng trẻo.
Con vừa chào hỏi những bạn học lướt qua, vừa tự tin giới thiệu với các bạn cùng phòng:
“Chào mọi người, mình là Dương Hoan, họ Dương, chữ Hoan trong từ hoan lạc.”
Khi đặt tên con, chúng tôi đã mong con cả đời được vui vẻ, vô ưu vô lo.
Dương Dịch quay sang, ghé sát tai tôi, khẽ thốt lên: “Con gái mình giống em hồi đó thật đấy!”
Lúc này, Hoan Hoan hòa vào đám đông sinh viên trong khuôn viên, khuôn mặt rạng rỡ ánh nắng và sức trẻ.
Tôi từng rất tiếc nuối vì đã bỏ lỡ 11 năm quan trọng nhất trong quá trình trưởng thành của con.
Nhưng chúng tôi cũng vô cùng may mắn, vì con gái của chúng tôi, Dương Hoan, cuối cùng đã trưởng thành đúng như những gì chúng tôi mong đợi.
19
Phần ngoại truyện: Góc nhìn của Dương Hoan – Cuộc sống ở nhà cha mẹ nuôi
Thật ra, tôi luôn biết mình không phải con ruột của cha mẹ nuôi.
Năm thứ hai sau khi nhận nuôi tôi, mẹ nuôi mang thai. Sau đó, họ lần lượt sinh bốn cô con gái, cuối cùng mới có một cậu con trai.
Họ luôn nói với tôi rằng, bố mẹ ruột vứt bỏ tôi chỉ vì tôi là con gái, và họ đã tốt bụng nhận nuôi tôi, vì vậy tôi phải trả ơn họ.
Mỗi ngày, tôi phải chăm sóc các em. Nếu lơ là một chút, mẹ nuôi sẽ nhắc đi nhắc lại về “ân tình cứu mạng” của họ dành cho tôi.
“Nếu không có bố mẹ, mày đã bị chó hoang tha đi rồi.”
Vì vậy, khi các tình nguyện viên tìm đến, tôi chỉ nghĩ rằng mình sẽ từ “hố lửa này” nhảy sang “hố lửa khác”.
Với tôi, đi đâu cũng chẳng quan trọng.
Nhưng khi mẹ nuôi biết tôi tìm lại được bố mẹ ruột, bà rất giận dữ, chỉ thẳng vào mặt tôi, mắng tôi là đồ vong ơn:
“Đồ vong ơn bội nghĩa, nuôi nấng mày bao năm, giờ biết phục vụ người khác, liền chạy về làm người hầu cho bố mẹ ruột của mày!”
Mãi về sau, bố mẹ ruột mua cho tôi một chiếc điện thoại, tôi mới học được cách sử dụng internet.
Lúc đó, tôi mới biết, bố mẹ ruột đã tìm kiếm tôi suốt 11 năm, chạy khắp nơi, không bỏ sót bất kỳ manh mối nào.
Họ từng lên truyền hình, đăng tin trên báo, để lại dấu vết tìm kiếm trên mọi diễn đàn và mạng xã hội.
Thì ra, để lừa dối một đứa trẻ, lại đơn giản đến như vậy.
Tôi không thể tin được rằng mình đã sống trong chiếc “lồng thông tin” mà cha mẹ nuôi dệt nên suốt 11 năm, hoàn toàn không hay biết gì.
Ngoại truyện 2: Góc nhìn của Dương Hoan – Cuộc sống mới ở thành phố
Mọi thứ trong thành phố đều khiến tôi lo lắng. Tôi luôn sợ mình sẽ làm gì đó xấu hổ, nên việc gì cũng làm một cách cẩn thận.
Nhưng càng cẩn thận, tôi lại càng dễ mắc lỗi.
Tôi đã vô tình làm vỡ bát cháo…
Ở nhà cha mẹ nuôi, làm vỡ bát nhẹ thì bị mẹ nuôi mắng cả nửa tiếng, nặng thì bị cha nuôi dùng thắt lưng đánh, rồi bắt ra cửa sân quỳ phạt.
Khi nghe thấy tiếng bát vỡ, tim tôi như thắt lại.
Vì vậy, tôi đã nói dối, đổ lỗi cho Huệ Huệ.
Nhưng họ không mắng Huệ Huệ. Tôi nghĩ có lẽ vì Huệ Huệ biết cách nũng nịu, nên được tha thứ.
Tôi không thích Huệ Huệ. Cô bé giống như cậu con trai út của nhà cha mẹ nuôi tôi vậy, dễ dàng có được những thứ mà tôi dù cố gắng thế nào cũng không thể có được.
Vì thế, tôi đã lấy trộm chiếc đồng hồ mà Huệ Huệ yêu thích nhất, không phải vì tôi muốn có nó, mà chỉ vì tôi không muốn thấy con bé sống vui vẻ hơn mình.
Khi mẹ phát hiện ra chuyện tôi lấy đồng hồ, tôi rất sợ. Tôi sợ mẹ sẽ ghét tôi vì điều đó.
Nhưng mẹ nói với tôi: “Hầu hết mọi người lớn, khi còn nhỏ, đều từng lén lấy thứ gì đó mà họ không được phép. Chỉ là khi lớn lên, họ đã quên mất.”
Mẹ nhìn ra sự ghen tị của tôi với Huệ Huệ, và mẹ nói:
“Ghen tị là một cảm xúc rất bình thường. Người ta ghen tị vì họ không có được hoặc không được đối xử công bằng.”
Tôi từng nghĩ rằng, việc mình ăn cắp, oán hận cha mẹ nuôi, và ghen tị với các em là bằng chứng cho thấy tôi không phải một đứa trẻ tốt. Tôi thậm chí còn nghĩ rằng tâm hồn mình thật xấu xa.
Nhưng mẹ đã nói rằng, không phải vậy. Đây không phải lỗi của tôi. Đây chỉ là một giai đoạn mà phần lớn người trưởng thành đều phải trải qua.
Mẹ đưa tôi đến tham gia một sự kiện tìm con. Những người cha mẹ giơ cao tấm bảng, quỳ khóc nức nở ở đó khiến tôi chấn động.
Tôi cuối cùng cũng hiểu rằng, họ thực sự yêu thương tôi, không phải vì trách nhiệm hay bất cứ điều gì khác.
“Mẹ ơi.”
Tôi cố tỏ ra thoải mái khi gọi mẹ lần đầu. Mẹ quay mặt đi, không nhìn tôi. Nhưng tôi biết, mẹ đang cố giấu nước mắt.
Ngoại truyện 3: Góc nhìn của Dương Hoan – Giấc mơ rực rỡ ấy
Ngày bà ngoại chống gậy ôm tôi vào lòng, mùi xà phòng kiểu cũ trên người bà khiến tôi thấy vừa thân thuộc vừa an tâm.
Tất cả mọi thứ ở nhà bà ngoại như đánh thức những ký ức thời thơ ấu đã bị lãng quên trong tôi.
Tôi nhớ lại cái ao bên phố cổ, nơi bố từng cõng tôi trên vai, cùng thả đèn cá chép.
Một buổi tối ánh đèn lung linh, mặt nước lấp lánh, bố vừa chạy vừa dừng lại, làm tôi ngồi trên vai cười khanh khách.
Tôi từng nghĩ đó chỉ là một giấc mơ rực rỡ, trong giấc mơ tôi là một đứa trẻ được bố mẹ yêu thương.
Cho đến khi bà ngoại chỉ vào bức ảnh và nói với tôi, tôi mới nhận ra đó là Tết năm tôi 3 tuổi, chúng tôi đã thực sự ở phố cổ, và điều đó đã xảy ra.
Tôi cuối cùng nhận ra rằng, mình từng là một “Huệ Huệ”.
Hoặc có thể nói, người tôi ghen tị không phải là Huệ Huệ, mà là chính bản thân mình trong quá khứ.
Ngay lúc này, tôi cảm thấy thật may mắn. Những ngày được yêu thương, giống như dòng nước, cuối cùng cũng chảy đến bên tôi.
End