5

Đúng vậy.

Đây mới là vấn đề cần giải quyết đầu tiên khi ly hôn.

Một phôi thai.

Chúng tôi bắt đầu mong chờ có con, có lẽ là vào năm thứ ba của hôn nhân.

Hôm đó là Tết, chúng tôi cùng về nhà bố mẹ anh, có rất nhiều họ hàng.

Mọi người tụ tập lại, người thì đánh bài, người thì trò chuyện.

Tôi không hòa vào được, chỉ quanh quẩn chỗ mấy đứa trẻ, chơi đùa với chúng.

Trong đó có một cô bé chưa đầy hai tuổi, đang trong giai đoạn học nói.

Tôi bế cô bé, dỗ dành một lát, thì cô bé bất ngờ gọi tôi là “mẹ”.

Dù tôi cố giải thích, cô bé nhất định không chịu đổi cách gọi.

Kỷ Ngôn Lễ cười vui không chịu nổi.

“Ồ, Tết nhất mà tự dưng có thêm một cô con gái, ngại ghê luôn.”

Tối hôm đó về nhà, anh đột ngột nói với tôi: “Chúng ta cũng sinh một đứa đi!”

Thế là chúng tôi bắt đầu lên kế hoạch có con.

Lúc đầu, mỗi tháng tôi đều háo hức mong chờ.

Nhưng lần nào cũng thất vọng.

Chúng tôi thậm chí đã đi bệnh viện kiểm tra.

Bác sĩ nói không có vấn đề gì, bảo chúng tôi đừng căng thẳng quá, cứ để mọi chuyện tự nhiên.

Vì chuyện này, tôi đã có thời gian rất lo lắng.

Kỷ Ngôn Lễ an ủi tôi: “Không sao đâu, dù gì anh cũng chưa chơi đủ thế giới hai người.”

Đứa bé này là kết quả ngoài mong đợi, sau bao lần kỳ vọng rồi lại thất vọng.

Tôi thậm chí còn chưa chuẩn bị tâm lý.

Cũng may là tôi chưa chuẩn bị sẵn sàng.

Đến bệnh viện, Kỷ Ngôn Lễ đi cùng tôi.

Anh rất kiên quyết, còn tôi thì không còn sức để tranh cãi, nên cứ để anh quyết định.

Sau khi làm xong các xét nghiệm, bác sĩ hỏi chúng tôi có chắc chắn không.

Một chữ “chắc chắn” nghẹn lại nơi cổ họng tôi, không thốt ra được.

Cuối cùng vẫn là Kỷ Ngôn Lễ trả lời.

Anh nói: “Đúng vậy.”

“Bậy giờ tôi sẽ giúp hai người đặt lịch làm phẫu thuật sau ba ngày.”

Tôi siết chặt tay: “Không thể làm luôn hôm nay sao?”

Ánh mắt bác sĩ và Kỷ Ngôn Lễ cùng lúc đổ dồn về phía tôi.

Bác sĩ nói: “Phải có chuẩn bị trước phẫu thuật, ít nhất sáu tiếng trước không được ăn uống. Hơn nữa đây là phẫu thuật, trước đó cần phải nghỉ ngơi đầy đủ.”

“Vậy ngày mai đi, buổi chiều tôi rảnh.”

“Chắc chắn không?”

“Chắc chắn!”

Khi bác sĩ dặn dò tôi các lưu ý, Kỷ Ngôn Lễ vội đứng lên bước ra ngoài.

“Tôi ra hút một điếu.”

Khi tôi bước ra khỏi phòng khám, anh đang ngồi trên ghế dài ngoài hành lang, khuỷu tay chống lên đầu gối, lưng cong xuống, trông có vẻ suy sụp.

Thấy tôi, anh lau mặt một cái.

“Em ngồi nghỉ đi, anh hỏi bác sĩ vài chuyện.”

Tôi đứng lại trước cửa phòng khám.

Cánh cửa mỏng manh không cách âm tốt.

Tôi nghe rõ ràng giọng nói của Kỷ Ngôn Lễ.

“Việc này có ảnh hưởng đến sức khỏe của cô ấy không?”

“Có đau không?”

6

Tôi chưa bao giờ sợ đau.

Ngược lại, tôi chịu đau rất giỏi.

Hồi đại học, trước khi quen Kỷ Ngôn Lễ, tôi từng ngã từ bậc thềm xuống, bên dưới toàn sỏi đá.

Cả tay và chân tôi bị trầy xước, máu chảy loang lổ, nhìn đến xót xa.

Tôi tự mua cồn iod để khử trùng.

Rồi vẫn tiếp tục khuân vác đồ dùng cần thiết cho sự kiện.

Với tôi, chuyện đó chẳng đáng gì cả.

Nhưng khi Kỷ Ngôn Lễ biết chuyện, anh lại không vui.

“Em là con gái, đau thì kêu một tiếng, khó chịu thì khóc một chút, ai lại không giúp em? Sao phải cứng đầu đến vậy?”

Anh nói với tôi: “Em có thể yếu đuối, ít nhất là trước mặt anh.”

Sau đó, tôi dần thay đổi.

Làm vỡ chai nước tương, tôi sẽ nói với Kỷ Ngôn Lễ rằng mình vừa gây họa.

Va đầu gối vào đâu đó, tôi sẽ nói với anh rằng tôi rất đau.

Không biết đường đi, tôi sẽ lập tức hỏi anh phải làm thế nào.

Tôi vốn dĩ không biết sợ hãi, cứng rắn không gì phá nổi.

Là anh đã khiến tôi mơ hồ, rồi đánh sập tôi.

Trở lại công ty, tôi xin nghỉ phép nửa tháng.

Sếp có vẻ băn khoăn.

“Nửa tháng dài quá. Có chuyện gì à?”

Tôi không biết phải trả lời thế nào.

Sau đó nghĩ lại.

“Vậy thì tôi xin nghỉ việc.”

Ở tuổi 28, tôi từ bỏ công việc mà tôi đã làm suốt bảy năm.

Tôi không thích công việc này, nhưng thu nhập rất tốt.

Tôi luôn thiếu can đảm để rời đi.

Nhưng khi một chiếc bình đã nứt, tôi lại muốn đập vỡ nó hoàn toàn.

Căn nhà đó tôi không dọn đi.

Là Kỷ Ngôn Lễ dọn đi.

Anh không xuất hiện, thư ký của anh xử lý mọi chuyện.

Thư ký Tôn, người tôi cũng quen biết, nhiều chuyện nói: “Thật ra chỉ là do cô ngôi sao nhỏ kia tự mình đa tình, tổng giám đốc Kỷ cũng chỉ đi xem phim và ăn tối với cô ta, ngoài ra không có gì khác, không đến mức vậy đâu.”

Tôi lắc đầu: “Không phải vì chuyện đó.”

Không phải vì Kỷ Ngôn Lễ đã làm gì.

Mà là vì có những thứ anh không muốn làm nữa.

Kỷ Ngôn Lễ có ngoại hình, có gia thế, có năng lực.

Người như anh luôn thu hút người khác giới.

Từ thời đại học đã như vậy.

Những người theo đuổi anh, tiếp cận anh, chưa bao giờ ít.

Nhưng Kỷ Ngôn Lễ luôn từ chối dứt khoát.

Anh chưa bao giờ cho ai cơ hội đến gần anh.

Đó là cảm giác an toàn anh từng mang đến cho tôi.

Nhưng bây giờ, anh đã tháo bỏ lớp phòng vệ của mình.

Cho nên, không có sự ngoại tình nào là đơn phương cả.

Một người có thể tiến gần người kia là vì người đó đã phát ra tín hiệu rằng “tôi cho phép.”

Đồ đạc của Kỷ Ngôn Lễ không nhiều.

Nhưng cũng chẳng ít.

Khi mọi thứ được dọn đi hết, căn nhà trống trải đến mức khiến người ta hoang mang.

Tôi ép bản thân phải ngủ.

Nhưng đêm đó vẫn là một giấc ngủ nửa tỉnh nửa mơ.

Hôm sau, tôi ra ngoài đúng giờ đã hẹn.

Kỷ Ngôn Lễ đứng ở cửa, không biết đã đứng đó bao lâu.

Anh nói: “Anh sẽ đi cùng em.”

7

Mẹ của Kỷ Ngôn Lễ đến bệnh viện một cách vội vã, ngay khi tôi vừa vào phòng phẫu thuật.

Bà là một quý bà giàu có, luôn thanh lịch, điềm tĩnh và chỉn chu.

Lúc này, tóc bà rối bời, cảm xúc hỗn loạn.

Bà nghiêm giọng chất vấn chúng tôi: “Hai đứa rốt cuộc đang làm gì vậy?”

Mẹ của Kỷ Ngôn Lễ vốn không hài lòng về tôi.

Nhưng bà không mắng tôi, không đuổi tôi đi, cũng không trừng mắt giận dữ.

Ngược lại, bà luôn mỉm cười khi nói chuyện với tôi.

Với ngôn ngữ nhã nhặn và thái độ từ tốn, bà khéo léo thể hiện sự không chấp nhận, không hoan nghênh tôi.

Đó là sự khinh thường tinh tế.

Đây là lần đầu tiên tôi thấy bà phản ứng dữ dội như vậy.

Kỷ Ngôn Lễ rõ ràng không vui.

“Mẹ đến đây làm gì?”

Mẹ anh nghiến răng: “Nếu mẹ không đến, chẳng phải con sẽ tiếp tục làm bậy?”

“Con tự biết rõ. Mẹ đừng xen vào.”

“Mẹ cũng không muốn quản, nhưng con thử nhìn xem con đang làm gì. Nếu mẹ không vô tình phát hiện, con định giấu mẹ để phá bỏ đứa bé này sao? Đứa bé khó khăn lắm mới có được, con nói mẹ nghe, tại sao lại muốn bỏ?”

Kỷ Ngôn Lễ đáp: “Vì con và cô ấy sẽ ly hôn.”

Mẹ anh nhìn chằm chằm tôi, rồi quay sang nhìn anh.

“Là con đề nghị?”

“Đúng.”

Sau một hồi im lặng, bà đột ngột bùng nổ: “Đám cưới này là con một mực đòi làm, ai cản cũng không được. Giờ đám cưới đã làm, con cũng có rồi, mà giờ lại đòi ly hôn! Còn tình yêu của con đâu? Tình yêu mà con từng lớn tiếng khẳng định đâu rồi?”

Một câu hỏi quá đỗi đau lòng.

Những gì chúng tôi từng giữ vững.

Người khác coi thường.

“Tình yêu? Được bao nhiêu giá trị chứ?”

Đến bây giờ, hình như nó cũng chỉ có vậy.

Cơn giận mà Kỷ Ngôn Lễ nén lại cuối cùng cũng bùng nổ.

“Buồn cười thật. Trước đây con muốn cưới cô ấy, các người phản đối. Bây giờ con muốn ly hôn, các người vẫn phản đối. Làm sao? Chỉ khi trái ý con mới chứng tỏ được quyền lực làm cha mẹ của các người à?”

Nếu là lúc khác, mẹ Kỷ Ngôn Lễ chắc chắn sẽ quay lưng bỏ đi. Nhưng hôm nay, bà nhịn.

“Kỷ Ngôn Lễ, ngày thường con hồ đồ thế nào mẹ cũng kệ. Nhưng trong bụng Hứa Niệm là con của con, con lại nói bỏ là bỏ được sao?”

Kỷ Ngôn Lễ bật cười nhạt.

“Giờ mẹ định nâng tầm nó thành sinh mạng à? Chỉ là một phôi thai thôi, một hạt giống chưa nảy mầm, không đến mức như vậy!”

“Kỷ Ngôn Lễ!”

Tôi và mẹ anh đồng thanh.

Bà nhìn tôi.

Tôi nói: “Đủ rồi. Đứa bé tôi sẽ bỏ, hôn nhân cũng sẽ kết thúc. Anh không cần làm vậy.”

Nhìn vào mắt mẹ Kỷ Ngôn Lễ, tôi tiếp lời: “Xin lỗi, tôi đã khiến bà thất vọng.”

Mẹ anh hít sâu một hơi, rồi như buông xuôi.

“Mẹ không can thiệp vào quyết định của hai đứa, nhưng làm cha mẹ, mẹ chỉ hy vọng hai đứa không hối hận. Nếu đứa bé không còn, hai đứa thật sự chấm dứt rồi.”