1
Lúc phát hiện mặc đồ giống tôi, cô gái bên cạnh Chu Ngôn Đình bĩu môi không vui.
Anh ấy nghiêng người, thì thầm vài câu gì đó vào tai cô gái, sau đó, cô gái tên Thi Hoạ ngoan ngoãn quay người rời đi.
Sau đó, Chu Ngôn Đình băng qua căn phòng đầy dáng vẻ lộng lẫy, bước đến trước mặt tôi.
Anh ấy nhìn tôi, khẽ nhíu mày:
“Màu đỏ không hợp với em, đi thay đi.”
Nói xong câu đó, cả bàn tiệc im lặng. Nhưng mọi người không nhịn được, từng người một lén lút nhìn về phía tôi.
Khi bầu không khí gần như đông cứng lại thì đột nhiên có người cười khẩy:
“Thật buồn cười, hoá ra là Đông Thi bắt chước Tây Thi.”
Tôi ngẩng đầu nhìn người vừa nói.
Là em họ của Chu Ngôn Đình, cũng là bạn thân nhất của bạch nguyệt quang đã mất của anh ấy.
Khi đính hôn và kết hôn, không một ai nói với tôi rằng, trong lòng Chu Ngôn Đình luôn giữ một bạch nguyệt quang đã sớm qua đời.
Mãi đến khi tôi mang thai Niệm Nhi, đến lúc gần đến ngày sinh mới biết được.
Năm thứ tư sau khi cưới, anh đã nuôi một cô gái rất giống bạch nguyệt quang đó. Và tôi, vẫn là người cuối cùng trên thế giới biết được điều này.
Thấy tôi ngồi im không động đậy, cũng không nói gì, sắc mặt Chu Ngôn Đình thoáng trầm xuống, giọng nói cao hơn một chút:
“Cảm Đường?”
Ánh mắt tôi vượt qua những người đang ngồi trước mặt, rơi thẳng lên khuôn mặt của Chu Ngôn Đình.
Có lẽ đây là sự phối hợp giữa tình nhân với nhau, nôm nay anh hiếm khi thắt một chiếc cà vạt màu đỏ đậm.
Tôi nhìn vào sắc đỏ đó trước ngực anh, chỉ cảm thấy trong phút chốc, xung quanh im lặng đến mức không còn âm thanh nào.
Trước khi anh ta lại mở miệng với vẻ không hài lòng, tôi đứng dậy, đẩy ghế ra, bước thẳng ra ngoài.
Chu Ngôn Đình khẽ dịu sắc mặt:
“Thay đồ xong thì mau quay lại.”
Tôi mím môi, thậm chí còn khẽ mỉm cười với anh ta, nhưng không nói một lời nào.
2
Tôi không vào phòng nghỉ để thay chiếc váy mới trên người, cũng không quay lại sảnh tiệc mà chỉ xoay người đi ra cửa hông vắng người, rời khỏi đó ngay lập tức.
Lúc đến đây, thời tiết đã có chút âm u. Giờ bên ngoài đang mưa phùn lất phất.
Là tiết cuối xuân, nhưng đêm mưa cũng không lạnh. Tôi dứt khoát không che ô, cứ thế bước thẳng vào màn mưa.
Về đến nhà họ Chu, người giúp việc vui vẻ thông báo với tôi:
“Chị, mẹ của anh Ngôn Đình đưa cậu chủ nhỏ đến rồi, đang đợi chị đấy.”
Tôi nghe vậy, lòng vui sướng, chân lập tức bước nhanh hơn.
Năm đầu tiên sau khi kết hôn, tôi sinh ra Niệm Nhi. Sau đó mẹ chồng nói rằng, lúc sinh tôi bị tổn thương sức khỏe nghiêm trọng, sợ tôi không có sức để chăm con, nên khi Niệm Nhi vừa đầy tháng, bà ấy đã đến bế thằng bé đi.
Lúc đó tôi đau khổ đến gần như sụp đổ, cơ thể lại chưa hoàn toàn hồi phục nên tôi thậm chí không đủ sức để chạy theo, chỉ có thể khóc lóc cầu xin Chu Ngôn Đình.
Nhưng cuối cùng, điều tôi nhận được chỉ là mỗi tuần một ngày gặp con.
Tôi rất trân trọng những lần gặp ấy.
Nhưng thời gian trôi qua quá nhanh, Niệm Nhi lớn dần, và thằng bé càng lúc càng xa cách tôi.
3
Lúc bước lên bậc thềm, tôi nghe thấy tiếng cười nói rộn rã trong nhà.
Niệm Nhi đang điều khiển một chiếc xe điều khiển từ xa, chơi rất thành thạo. Mẹ chồng, người giúp việc, và bảo mẫu đều vây quanh thằng bé, không ngừng vỗ tay khen ngợi.
Tôi không kìm được mà bước lên, mắt chỉ nhìn chăm chăm vào dáng hình nhỏ bé ấy.
Niệm Nhi ngẩng đầu nhìn tôi một cái, rồi lại tiếp tục chơi xe.
Tôi kiên nhẫn đợi thằng bé chơi chán, sau đó ngồi xuống, muốn bế con. Nhưng thằng bé lập tức xoay người chạy đến chỗ mẹ chồng.
“Bà ơi, con gặp mẹ rồi, giờ muốn về nhà, về nhà.”
Thằng bé ôm lấy chân bà, dụi đầu vào lòng bà rất thân thiết. Mẹ chồng tôi cười rạng rỡ, bế Niệm Nhi lên:
“Cục cưng của bà, giờ chúng ta về nhà ngay.”
Hai tay tôi vẫn ngớ ngẩn đưa ra như vậy. Nhưng thứ tôi ôm được chỉ là một khoảng không lạnh lẽo.
Tôi dường như lúc nào cũng chậm chạp, luôn là người cuối cùng nhận ra mọi chuyện.
Giống như khi Chu Ngôn Đình khiến tôi mất mặt trước mọi người. Phải đến khi trên đường về nhà, tôi mới dần cảm thấy đau lòng.
Cho đến khi mẹ chồng đưa Niệm Nhi đi từ lâu rồi, tôi mới ngồi thụp xuống đất, lặng lẽ khóc không thành tiếng.
Nơi này dường như chẳng có thứ gì, chẳng có ai khiến tôi lưu luyến.
Đêm đã rất khuya, tôi lên lầu thu dọn một ít đồ. Tất cả giấy tờ, và một số đồ dùng cá nhân cần mang đi thì mang
Còn lại tất cả những thứ khác, tôi đều không động vào.
Khi đi qua sân vườn, tôi nhìn thấy một mảng hoa hải đường Tây Phủ trong màn mưa.
Những bông hoa này, là do tôi tự tay trồng vào năm gả cho Chu Ngôn Đình.
Tôi rất thích chúng, nhưng tôi chỉ dừng lại hai phút, rồi không ngoái đầu nhìn lại lần nào nữa.
4
Chu Ngôn Đình uống hơi say.
Anh đưa tay xem giờ mới phát hiện Cảm Đường rời đi đã gần một tiếng đồng hồ rồi.
Chỉ thay một chiếc váy thôi, phòng nghỉ cũng ở ngay trên lầu, sao lại mất nhiều thời gian đến vậy?
Anh nhíu mày, lấy điện thoại ra nhắn tin cho Cảm Đường.
“Sao em còn chưa quay lại?”
Nhưng tin nhắn mãi không có hồi âm. Thay vào đó, trợ lý của anh bước tới, cúi người, kính cẩn nói khẽ:
“Tài xế bảo rằng, phu nhân vừa mới về trước rồi.”
Sắc mặt của Chu Ngôn Đình dần trở nên lạnh lẽo.
Đây là lần đầu tiên Cảm Đường tỏ thái độ như vậy.
Nhưng anh ta từ trước đến nay ghét nhất là phụ nữ hành xử kiểu này.
“Gọi Thi Họa qua đây.”
Trợ lý chỉ cảm thấy tim đập mạnh một nhịp, nhưng vẫn gật đầu:
“Vâng, tôi sẽ làm ngay.”
Khi Thi Họa quay lại, cô ta đã thay đồ khác, tóc cũng được thả xuống.
Có vẻ cô ta vừa khóc xong, đôi mắt vẫn còn đỏ, lớp trang điểm trên mặt đã được tẩy sạch hoàn toàn. Trông cô ta lúc này thật trong trẻo, thuần khiết như hoa sen mới nở.
Chu Ngôn Đình nhìn cô ta, ánh mắt thoáng ngẩn ngơ.
“Anh Chu, tối nay em có phải đã làm sai điều gì không?”
Thi Họa mím môi, ngước mắt nhìn Chu Ngôn Đình.
Ở đuôi mắt trái của cô ta có hai nốt ruồi nhỏ xíu. Sau khi tẩy trang, chúng càng hiện rõ. Và điểm này là giống nhất với bạch nguyệt quang của Chu Ngôn Đình, A Nhược.
Chu Ngôn Đình đưa tay nâng khuôn mặt Thi Họa lên, cúi đầu hôn lên nốt ruồi nhỏ ấy, trong hơi men, dường như khẽ thì thầm:
“A Nhược…”
4
Ba ngày sau, Chu Ngôn Đình mới biết rằng đêm đó Cảm Đường đã rời khỏi phòng cưới và không quay lại.
Nhưng trong lòng anh ta không quá bận tâm.
Cảm Đường tuy là con gái út của nhà họ Cảm nhưng lại khác hẳn những tiểu thư nhà họ Cảm khác.
Hồi nhỏ, cô bị lạc, nghe nói đã chịu rất nhiều khổ sở. Đến nay trên người vẫn còn những vết thương cũ.
Khi được nhà họ Cảm tìm lại, cô đã hai mươi tuổi, thậm chí còn chưa học đại học. Tính cách đã định hình từ sớm, lầm lì ít nói, nhút nhát sợ hãi.
Vì vậy, cô không được lòng người nhà họ Cảm. Ngay cả mẹ chồng, bà Chu, cũng không ưa cô.
Vì vậy, sau đó khi họ kết hôn, mẹ của Chu Ngôn Đình đã đặt ra một điều kiện.
Đó là chỉ tổ chức đám cưới, còn giấy đăng ký kết hôn sẽ chỉ được cấp khi nào Cảm Đường sinh con trai.
Sau đó, Cảm Đường sinh ra Niệm Nhi. Nhưng mẹ chồng vẫn không nhắc đến chuyện làm giấy đăng ký kết hôn.
Cảm Đường tính cách yếu đuối nên cũng chưa từng dám đề cập.
Ngày Chu Ngôn Đình quay lại căn phòng cưới, thì đã một tuần trôi qua kể từ khi Cảm Đường rời đi.
Lúc đó là cuối tháng Tư. Khi anh bước xuống xe, ánh mắt lập tức nhìn thấy mảng hoa hải đường Tây Phủ bắt đầu rụng. Người giúp việc thấy sắc mặt anh không vui, vội vàng giải thích:
“Trước giờ đều là cô chủ tự tay chăm sóc, cô ấy không cho chúng tôi động vào.”
“Cô ấy vẫn chưa về sao?”
Chu Ngôn Đình chậm rãi bước lên trước, đôi mày nhíu lại càng sâu.
Người giúp việc lắc đầu, khẽ nói:
“Cô chủ vẫn chưa về.”
“Hôm nay là thứ mấy?”
Chu Ngôn Đình đột nhiên hỏi.
“Thứ bảy rồi.”
“Đã đón Niệm Nhi chưa?”
Mỗi khi đến thứ bảy, nếu không có gì thay đổi thì hôm đó chính là ngày Cảm Đường gặp Niệm Nhi.
“Đón rồi, chắc sắp về đến nơi.”
Chu Ngôn Đình gật đầu, sắc mặt lại trở về vẻ bình thản thường ngày.
“Đi nói với Cảm Đường, trong vòng một tiếng không về thì đưa Niệm Nhi trở lại nhà cũ.”